“Tam bảo”,“ Cúng dường tam bảo”, “Quy y tam bảo” là
những câu nói mà người phật tử thường
xuyên được nghe, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu được sâu xa từ này, có rất
nhiều người vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của “Tam Bảo” là gì. Rất nhiều người
khi được hỏi về Tam Bảo đều trả lời rất mơ hồ theo sự hiểu biết của họ và
chưa đúng, kể cả những người thường xuyên vào chùa thắp hương lễ phật. Những
câu trả lời đại loại như: “ Tam bảo là thờ 3 ông tam thế trên điện, Tam bảo
là thờ 3 vị phật tượng trưng cho hiện
tại, quá khứ, vị lai.”.
Để giúp phật tử có cái hiểu tổng quát nhất về Tam
Bảo, bài viết dưới đây sẽ phân tích ý nghĩa của Tam Bảo trong Phật giáo.
|
A . Khái niệm tổng quát.
Tam bảo là gì? Tam bảo là 3 ngôi quí báu PHẬT BẢO – PHÁP BẢO – TĂNG BẢO
Ở thế gian, vàng bạc, ngọc ngà và danh vọng là quí báu. Nhưng sự thật, vàng
bạc, danh vọng đâu có cứu được con người khỏi khổ, sống, già, bệnh, chết, mà
lắm khi còn làm cho con người thêm khổ nữa! Còn Phật, Pháp, Tăng thì có đủ năng
lực dắt dẫn con người ra khỏi những cái khổ nói trên. Bởi thế, người đời mới
tôn sùng Phật Pháp, Tăng là ba ngôi báu (Tam Bảo).
Tam Bảo được hình thành từ khi Ðức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên ở
vườn Lộc Uyển độ cho năm anh em Kiều Trần Như. Ðức Phật Thích Ca là Phật bảo,
Giáo lý Tứ Diệu Đế là Pháp bảo, năm anh em Kiều Trần Như là Tăng Bảo. Từ đây
Tam bảo là công năng giúp con người thoát khỏi khổ đau trong đời sống hiện tại
cho đến tương lai. Nhận thức được như vậy tức là chúng ta thấy được giá trị cao
qúi của Tam bảọ
B . Nội Dung Tam Bảo
I - Phật Bảo
PHẬT: Chữ Phật do chữ Phạn Buddha
phiên âm ra. Trung hoa dịch là Giác Giả, Phật Đà nghĩa là: Bậc đã giác ngộ sáng
suốt hoàn toàn về ba phương diện: Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
- Tự giác : Tự mình nhận chân được chân lý sự vật hiện tượng.
- Giác tha : Sau khi hiểu
được chân lý đem sự hiểu đó truền cho người khác hiểu như mình.
- Giác hạnh viên mãn : Thực hiện được tự độ và độ tha là hoàn thành một cách tròn đủ đức tính của
Phật.
II - Pháp Bảo
PHÁP: Pháp là do chữ Phạn Dharma mà
dịch nghĩa ra. Pháp là phuơng pháp tu hành mà Phật đã phát huy ra để diệt trừ
mọi mê muội, khổ đau và chứng được quả Phật. Ba Tạng Kinh Ðiển đều gọi chung là
Pháp.
III - Tăng Bảo
TĂNG: Tăng hay Tăng già là do chữ Phạn Shanga mà phiên âm ra; Trung hoa dịch
là: Hòa hợp chúng, nghĩa là một đoàn thể tu hành từ bốn người sắp lên, cùng
nhau sống chung một chỗ, đồng giữ giới luật cu Phật, đồng chia sớt cho nhau một
cách hòa thuận những gì đã thâu nhận được, từ vật chấc đến tinh thần.
C . Ba bậc củaTam Bảo
- Ðồng thể Tam
bảo,
- Xuất thế gian Tam bảo,
- Thế gian trụ trì Tam bảo
I - Ðồng Thể Tam Bảo (Tự Tánh Tam Bảo) :
a) Ðồng Thể Phật Bảo: tức là nói tất cả
chúng sanh cùng chư Phật dồng một thể tánh sáng suốt.
b) Ðồng Thể Pháp Bảo: tức là nói tất cả
chúng sanh cùng chư Phật đồng một pháp tánh từ bi bình đẳng.
c) Ðồng Thể Tăng Bảo: tức là nói tất cả
chúng sanh cùng chu Phật đồng một thể tánh thanh tịnh, sự, lý hòa hợp
.
II - Xuất Thế Gian Tam Bảo:
a) Xuất Thế Gian Phật Bảo: là chỉ cho Ðức Phật
Thích Ca Mâu Ni, Ðức Phật A-Di-Ðà, Chư Phật trong mười phương ba đời, đã tự
giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của thế gian.
b) Xuất Thế Gian Pháp Bảo: là chỉ cho Chính pháp
của Phật, có công năng làm cho chúng sanh thoát khỏi sự ràng buộc của thế gian,
như Tứ-đế, Thập-nhị nhân-duyên, Lục -độ v.v...
c) Xuất Thế Gian Tăng Bảo: là chỉ cho các vị
Thánh-Tăng đã thoát ra ngoài sự ràng buộc của thế gian như đức Quán Thế Âm, Ðại
Thế Chí, Văn Thù, Ca-Diếp, A-Nan v.v...
III - Thế Gian Trụ Trì Tam Bảo:.
a) Thế Gian Trụ Trì Phật Bảo: là chỉ cho XaLợi của
Phật, tượng Phật đức bằng kim khí, chạm trổ bằng danh mộc, tô bằng đất, đắp
bằng xi măng, thêu bằng vải, hay vẽ trên giấy.
b) Thế Gian Trụ Trì Pháp Bảo: là chỉ cho ba tạng
Giáo điển: Kinh, Luật, Luận viết hay in trên giấy, trên vải trên lá buôn v.v...
c) Thế Gian Trụ Trì Tăng Bảo: là chỉ các vị TỳKheo,
TỳKheoNi tu hành chơn chánh, đạo đức trong sạch, giới luật trang nghiêm trong
hiện tại.
Với cái nhìn tổng quát trên hy vọng một phần nào đó giúp độc giả hiểu thế nào là Tam Bảo, bài viết một phần do chủ kiến và sự hiểu biết của cá nhân nên vẫn còn rất nhiều thiếu sót, hy vọng quý độc giả đọc và cho ý kiến để hoàn thiện hơn.
Nam Mô A Di Đà Phât _()_
Với cái nhìn tổng quát trên hy vọng một phần nào đó giúp độc giả hiểu thế nào là Tam Bảo, bài viết một phần do chủ kiến và sự hiểu biết của cá nhân nên vẫn còn rất nhiều thiếu sót, hy vọng quý độc giả đọc và cho ý kiến để hoàn thiện hơn.
Nam Mô A Di Đà Phât _()_
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét