9/3/14

Cách niệm Nam Mô A Di Đà Phật



Nam Mô A-Di-Đà
Không gấp cũng không huỡn
Tâm tiếng hiệp khắn nhau
Thường niệm cho rành rõ. 

Nhiếp tâm là Định học.
Nhận rõ chính Huệ học.
Chánh niệm trừ vọng hoặc.
Giới thể đồng thời đủ. 

Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp trì danh
Nhất tâm Phật hiện tiền
Tam-muội Sự thành tựu. 

Đương niệm tức vô niệm
Niệm tánh vốn tự không
Tâm làm Phật là Phật
Chứng Lý Pháp thân hiện. 

Nam mô A-Di-Đà
Nam mô A-Di-Đà
Cố gắng hết sức mình
Cầu đài sen thượng phẩm.

Phật lịch 2500 (1956)
Hân-tịnh tỳ-kheo Thích Trí Tịnh biên soạn.



Chú Giải:

Kệ niệm Phật
Hạ thủ công phu
Một câu A-Di-Đà
Không gấp cũng không huỡn
Tâm tiếng hiệp khắn nhau
Thường niệm cho rành rõ

Khi hạ thủ công phu, ở nơi một câu hồng danh của Phật "Nam mô A Di Đà Phật" hay là "A-Di-Đà Phật" niệm cho được vừa chừng không quá mau - (không gấp) không quá chậm (không huỡn) là niệm cho đều đặn. Kế đó là mình phải giữ làm sao cho cái tiếng niệm Phật cùng với cái tâm của mình phải hiệp khắn nhau. Nghĩa là cái tâm phải duyên theo tiếng, cái tiếng phải nằm ở trong tâm, không để cho nó xao lãng theo một tiếng gì khác, hễ nó thoạt mà rời đi thì mình phải nhiếp kéo nó trở lại liền đặng cho nó trụ nơi cái tiếng, như vậy gọi là "Tâm tiếng hiệp khắn nhau" (1) nghĩa là cái tâm và cái tiếng không khi nào rời nhau, mà tâm và tiếng không khi nào rời nhau đó mới gọi là thiết thật niệm Phật, chớ nếu trong lúc mình niệm Phật mà mình lại tưởng niệm những việc khác đó là mình niệm việc khác, nhớ việc khác, chớ đâu phải là thật niệm Phật. Nếu là thật niệm Phật thì trong tâm mình chỉ nhớ và tưởng Phật mà thôi. Bây giờ mình niệm Phật, danh hiệu Phật, tất nhiên là mình nhớ và tưởng lấy ở nơi cái tiếng niệm Phật, cái hiệu của Phật, như vậy mới gọi là thiết thật niệm Phật. Thành ra mình làm cái gì cũng phải cho thiết thật đúng cái đó, chớ nếu sai đi, tất nhiên khó có thể thành công được, do đó mới có câu "Tâm tiếng hiệp khắn nhau". Nên nhớ kỹ lắm mới được. Khi niệm Phật phải nhớ câu đó và phải làm cho đúng theo mới có lợi lạc. Nếu được tâm tiếng hiệp khắn nhau như vậy mới gọi là niệm đúng cách và thiết thật.

Giờ đây phải "thường niệm cho rành rõ". Tâm tiếng hiệp khắn nhau rồi, nhưng phải để ý cho nó rành, rành là rành rẽ, tức là từ tiếng, từ câu không có lộn lạo, còn rõ là rõ ràng, hể Nam là rõ tiếng Nam, Mô là rõ tiếng Mô, A là rõ tiếng A cho đến Phật thì Phật cái tiếng không trại đi (2), phải cho thật rõ, vì điều nầy rất cần lắm, chớ nếu mình niệm mà không nhận cho rành rẽ và rõ ràng, niệm một cách bơ thờ (3), về sau khi công phu được thuần thục, mà khi thuần thục rồi, cái niệm trong tâm nó tự nổi lên cũng không rành rõ, nó hơi trại đi, chớ nếu lúc nào mình cũng giữ cho rành rõ, thì khi thuần thục trong tâm mình nó cũng nổi lên cái tiếng Phật rõ lắm, điều này rất quan trọng (4). Nên nhớ chữ "Thường" nếu muốn được cái tâm mà về sau, nó tự niệm lấy nó, không cần mình phải ép buộc nó mới niệm. Phải thường - nghĩa là luôn luôn mình phải niệm cho thật nhiều giờ và thời gian cho được tưng tục gọi là thường, chớ nếu trong một ngày, một đêm mà mình chỉ có niệm một hai tiếng đồng hồ thôi, còn 22 tiếng kia mình lại nghĩ việc tào tạp thì biết bao giờ tâm mình mới thuần thục được. Mình phải tập cho nó niệm luôn luôn lâu ngày thành thói quen - tập quán - nhưng bây giờ mình bận đủ các công việc, đâu phải như các vị rãnh rang (cấm tuc, Kiết-thất hay là tịnh niệm, tịnh khẩu chẳng hạn, vậy mình phải là sao đây?

Tất nhiên trong lúc đi đứng nằm ngồi và lúc rãnh cũng bắt cái tâm mình nó niệm Phật, trừ khi nào tâm mình bắt buộc phải chú trọng đến những công việc gì khác, xong rồi, phải nhớ niệm Phật lại. Như lúc mình mặc áo mình cũng niệm Phật được, bởi vì lúc đó cái tâm có thể rảnh để niệm Phật, như lúc mình ngồi ăn cơm cũng niệm Phật được, hoặc lúc mình nằm nghỉ, chứ không phải chỉ niệm Phật lúc mình ở trước bàn thờ Phật, có chuông, có mõ, quỳ nơi đó, nếu chỉ có như vậy thì thời gian ít lắm, không thể gọi là thường làm được và nếu không được như vậy thì khó thuần thục, khó thành thói quen. Về công hạnh niệm Phật điều đó cần phải nhớ lắm mới được.

NHIẾP TÂM LÀ ĐỊNH HỌC
NHẬN RÕ CHÍNH HUỆ HỌC
THUYẾT CHÁNH NIỆM TRỪ VỌNG HOẶC
GIỚI THỂ ĐỒNG THỜI ĐỦ (5)

Trong một câu niệm Phật, mình gồm cả ba môn "Vô lậu học" mà các đệ tử của Phật cần phải thật hành là "Giới Định Huệ".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét